Chứng chỉ CERs là gì? Giá bán CER là bao nhiêu?

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm việc thực hiện dự án cơ chế phát triển sạch. Việc tìm hiểu về chứng chỉ (CERs), giá bán cùng hoạt động chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải là cần thiết.

 


Nội dung chính:

  1. Chứng chỉ CERs là gì?
  2. Giá bán CER là bao nhiêu?
  3. Việt Nam - Thị trường CER tiềm năng

 

Chứng chỉ CERs là gì?

 

Chứng chỉ CERs là chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs), là các giảm phát thải được chứng nhận do Ban chấp hành quốc tế về CDM cấp cho dự án CDM. 1 CER được xác định bằng một tấn khí CO2... Cơ quan có thẩm quyền quốc gia về CDM là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Năm 1997, một nghị định thư được ký kết tại Kyoto gọi là Nghị định thư Kyoto – với các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của 39 nước phát triển. Nhằm giúp các nước này đạt được mục tiêu của mình, Nghị định thư Kyoto thiết lập ba “cơ chế mềm dẻo”:

 

  1. “Mua bán phát thải” (mua bán các chứng chỉ phát thải giữa các nước phát triển);
  2. “Đồng thực hiện” (mua bán các chứng chỉ giảm phát thải thông qua các dự án giảm phát thải thiết lập tại các nước phát triển)
  3. “Cơ chế phát triển sạch - Clean Development Mechanism - CDM”. CDM là cơ chế duy nhất có liên quan tới các nước đang phát triển.

 

Cơ chế này cho phép các nước phát triển đạt được một phần nghĩa vụ của mình thông qua các dự án giảm phát thải tại các nước đang phát triển.

 

 Mục tiêu chính của CDM:

 

  1. Giúp đỡ các nước đang phát triển đạt phát triển bền vững.
  2. Tạo thuận lợi cho các nước phát triển đạt được mục tiêu giảm phát thải của mình thông qua các dự án triển khai tại các nước đang phát triển.

 

Nghị định thư Kyoto chính thức có hiệu lực vào ngày 15/02/2005, sau khi Cộng hòa Liên bang Nga ký kết tham gia, các CERs này bắt đầu được mua bán trên thị trường và trở thành một loại hàng hóa.

 

Giá bán CER là bao nhiêu?

 

Số lượng và giá bán CER được xác định căn cứ vào hợp đồng mua bán CERs được ký kết. Trường hợp chủ sở hữu CERs không bán mà chuyển CERs về nước thì số lượng CER để tính lệ phí là số lượng CER thực tế được chủ sở hữu CERs chuyển về nước, giá CER để xác định số tiền lệ phí phải nộp được căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm chuyển CERs về nước.

 

Số tiền lệ phí bán CERs phải nộp được xác định như sau:

 

Số tiền lệ phí bán CERs phải nộp (đồng) = Mức thu lệ phí bán CERs (%) x Số lượng CER bán hoặc chuyển về nước x Giá bán CER (đồng/CER).

 

Theo ông Hoàng Mạnh Hòa - Trưởng phòng Biến đổi khí hậu thuộc Cục Biến đổi khí hậu và Khí tượng thủy văn Việt Nam trao đổi với Thời Báo Kinh tế Sài Gòn (năm 2011) thì giá bán mỗi đơn vị CER dao động khoảng 8-16 đô la Mỹ/đơn vị.

 

Thông tin gần nhất (năm 2015), báo Nhịp Cầu Đầu Tư có đăng thông tin là giá giao dịch cho một đơn vị giảm thải CERs vào khoảng trên dưới 30 USD. 

 

Việt Nam - thị trường CER tiềm năng

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho việc phát triển rừng hấp thụ carbon, giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, rừng tại Việt Nam có thể hấp thụ CO2 tốt hơn nhiều so với rừng ở nhiều quốc gia khác. Đây cũng chính là lý do mà nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam để phát triển các dự án sạch.

 

Khi đầu tư các dự án trồng rừng, nhà đầu tư có thể quy đổi từ diện tích rừng hấp thụ lượng khí CO2 ra đơn vị giảm thải CERs. Ví dụ như 1 ha rừng hấp thụ khoảng 1 tấn khí CO2 sẽ bằng một đơn vị giảm thải CERs. Nếu đầu tư hàng ngàn ha rừng thì nguồn lợi nhuận thu được từ việc giao dịch CERs là không nhỏ.

 

chứng chỉ cers

 

Việc giao dịch CERs trên trường quốc tế diễn ra chủ yếu dưới 2 hình thức:

 

  1. Các nước phát triển mua quyền thải khí qua việc đầu tư vào các dự án cơ chế phát triển sạch ở những nước đang phát triển.
  2. Hình thức mua bán hạn mức thải khí giữa các nước phát triển. Nước gây ô nhiễm nhiều sẽ mua mức thải khí chưa dùng của các nước khác để được quyền thải khí vượt hạn mức.

 

Việt Nam không thuộc diện phải cắt giảm khí thải. Do vậy, những dự án trồng rừng có triển vọng về khả năng thu lợi nhuận, dễ thực hiện và không đòi hỏi nhiều về công nghệ sẽ vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư ưu tiên thực hiện.

 

Chủ đề: