Thế giới đang chuyển mạnh sang điện mặt trời Suất đầu tư điện mặt trời giảm mạnh là một nguyên nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam và các quốc gia khác. Trong ba năm trở lại đây, điện mặt trời đã và đang trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với các dạng năng lượng hóa thạch ở nhiều nơi trên thế giới. Cuối năm 2016, tổng công suất năng lượng mặt trời đã vượt qua 182 GW (gigawatt) và dự kiến sẽ đạt trên 501 GW vào năm 2020. Tại Việt Nam, tuy công suất hiện nay gần như bằng không nhưng dạng năng lượng mới này đang đứng trước cơ hội phát triển lớn. Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11 quy định giá bán điện mặt trời là 9,35 cent/kWh, một mức giá mà nhiều nhà đầu tư và chuyên gia cho rằng rất phù hợp để đầu tư. Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về điện “Power & Electricity World Vietnam 2017” tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 10-11/10, ông Tăng Thế Hùng thuộc Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký xây dựng các dự án với tổng công suất lên tới hơn 4,000 MW cho giai đoạn từ nay đến 2020, gấp nhiều lần so với mục tiêu 850 MW trong Quy hoạch điện 7 sửa đổi. Số dự án đăng ký tăng mạnh sau khi Quyết định 11 ra đời. Trong một báo cáo công bố ngày 4/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, sẽ phát triển bùng nổ trên toàn thế giới trong 5 năm tới. Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ sẽ là những nước đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo.Còn theo các chuyên gia tổ chức Bloomberg New Energy Finance (BNEF), dự đoán tổng công suất điện mặt trời trên thế giới vào năm 2040 sẽ đạt 3.100 GW trong đó Trung Quốc chiếm 1.200 GW, Ấn Độ 670 GW và Mỹ 405 GW. Việc loại bỏ hàng nghìn gigawatts các nhà máy điện đốt than và khí sẽ phát sinh nhu cầu lớn đối với năng lượng mặt trời, đồng thời các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc giảm bớt khí thải carbon từ hệ thống phát điện ở nhiều nước. Khi quy mô tăng lên, chi phí sẽ tiếp tục giảm. Năng lượng mặt trời sẽ trở nên rẻ hơn so với các nhà máy điện chạy bằng than hoặc khí đốt hiện có sau năm 2030, BNEF dự đoán. Đổ xô làm điện mặt trời Ngày càng có nhiều quốc gia đặt mục tiêu phát triển điện mặt trời để đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trung Quốc có kế hoạch lắp đặt 200 GW năng lượng mặt trời vào cuối năm 2020, tăng so với 101.82 GW đã lắp đặt trong nửa đầu năm 2017. Ở châu Âu, Hà Lan và Tây Ban Nha đã lần lượt đấu thầu để xây dựng 2,6 GW và 4 GW công suất năng lượng mặt trời mới để đáp ứng mục tiêu tăng mức sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2020. Trung Đông và Bắc Phi, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Morocco, cũng lên kế hoạch phát triển các dự án năng lượng mặt trời với tổng công suất đạt trên 5,7 GW vào năm 2017. Chi phí đầu tư giảm mạnh là một nguyên nhân quan trọng giúp đẩy nhanh việc triển khai các dự án điện mặt trời. Vào cuối năm 2016, 65 quốc gia đã tổ chức đấu thầu để triển khai các dự án với chi phí đầu tư thấp. Chi phí giảm đã giúp điện mặt trời có giá bán rất cạnh tranh, khoảng dưới 50 USD/MWh, ở các nước giàu tiềm năng điện mặt trời như UAE, Mỹ và Chile. Theo dữ liệu của BNEF, những năm gần đây nhiều dự án điện mặt trời rất lớn đã ra đời với công suất lên tới 5 GW vào năm 2016. Tiêu biểu là các dự án tại Trung Quốc, Mỹ, Ma-rốc, Nam Phi, Israel, UAE và Chilê. Đặc biệt, dự án Sandstone ở Nevada (Mỹ) khi đi vào vận hành năm 2020 sẽ trở thành dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới với công suất 2 GW. Vào tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động trang trại năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới (40 MW) ở tỉnh An Huy. Tại Ấn Độ, các dự án năng lượng mặt trời có quy mô công nghiệp đang làm thay đổi cơ cấu năng lượng của nước này. Công viên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới (648 MW) đã được lắp đặt tại bang Tamil Nadu vào năm 2016, đồng thời, chính phủ Ấn Độ cũng đã cho phép xây dựng một dự án năng lượng mặt trời khổng lồ ở bang Rajasthan với công suất dự kiến là 10 GW. Dưới đây là danh sách 05 dự án năng lượng mặt trời lớn được cấp phép trong vòng hai năm qua: 1. Công viên điện mặt trời Adani Bhadla, Rajasthan, Ấn Độ (10,000MW) Đây sẽ là công viên năng lượng mặt trời lớn nhất của Ấn Độ với công suất 10.000 MW vào năm 2022. Dự án dự kiến sẽ đạt công suất 2.255 MW vào cuối năm 2018. Mức giá điện của dự án sẽ là 2,62 Rupee/kWh (0,042 USD/kWh), rẻ hơn đáng kể so với mức giá điện than bình quân của Ấn Độ là 3,20 Rupee/kWh. Dự kiến hơn 1 triệu tấm pin sẽ được lắp đặt tại dự án. Công viên năng lượng mặt trời Bhadla được trông đợi sẽ giúp Ấn Độ đạt mục tiêu nâng công suất điện mặt trời lên 100 GW vào năm 2022. Khi đi vào vận hành, dự án sẽ cung cấp đủ điện cho toàn bộ bang Rajasthan. 2. Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Dubai, UAE (5,000MW) Công viên Mặt Trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum ở Dubai sẽ bao phủ một diện tích 16.000 mẫu Anh tại Seih Al-Dahal. Dự án dự kiến đạt được công suất 1GW vào năm 2020, 5GW vào năm 2030 và sẽ cung cấp điện cho 800.000 gia đình. Với tổng mức đầu tư 13,6 tỷ USD, dự án đã đưa ra được mức giá điện mặt trời thấp nhất thế giới là 0,0299 USD/kWh. Hiện hai giai đoạn đầu của dự án đã đi vào vận hành với công suất 200 MW. Công viên năng lượng mặt trời này là một phần trong sáng kiến quốc gia dài hạn nhằm đạt được sự phát triển bền vững của UAE. Chiến lược về năng lượng sạch Dubai vạch ra mục tiêu cung cấp 75% nhu cầu điện từ các nguồn năng lượng sạch vào năm 2050, và 25% nhu cầu điện từ năng lượng mặt trời vào năm 2030. Chiến lược này cũng đặt mục tiêu đưa Dubai trở thành một trung tâm toàn cầu về năng lượng sạch và nền kinh tế xanh. 3. Sandstone, Nevada, Mỹ (2,000 MW) Dự án sẽ do công ty năng lượng Solar Reserve của California đầu tư xây dựng với tổng chi phí khoảng 5 tỷ USD kéo dài trong 7 năm. Các tháp năng lượng mặt trời tại dự án sẽ tạo ra tổng cộng 2.000 MW công suất, tương đương hai nhà máy điện hạt nhân. Mỗi tháp sẽ có 10 giờ lưu trữ đầy đủ, cho phép nhà máy hoạt động như một nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc nhà máy điện hạt nhân. Khi hoàn thành, Sandstone sẽ cung cấp điện cho 1 triệu hộ gia đình. 4. Solar Choice Bulli Creek PV Plant, Queensland, Australia (2000 MW) Bulli Creek PV Plant là dự án năng lượng mặt trời lớn nhất ở Australia về quy mô và sản lượng với công suất dự kiến đạt 2.000 MW vào năm 2025. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ sản xuất đủ điện cho 550.000 hộ gia đình. Australia có bức xạ năng lượng mặt trời trung bình trên mỗi mét vuông cao nhất trên thế giới. Chính phủ Australia đã cam kết sẽ tạo ra một phần tư điện năng từ các nguồn năng lượng sạch vào năm 2020, và điều này đòi hỏi phải tăng 15 lần năng lượng mặt trời quy mô lớn vào năm 2021, theo BNEF. 5. Longyangxia Dam Solar Park, Qinghai, Trung Quốc (850MW) Công viên năng lượng Solar Longyangxia Dam nằm trên cao nguyên Tây Tạng và có công suất 850MW, cung cấp đủ điện cho 200.000 hộ gia đình. Dự án có quy mô tương đương với Ma Cao và nhà đầu tư sẽ lắp đặt khoảng 4 triệu tấm pin mặt trời tại đây. Nguồn: Kinh tế & Tiêu dùng Chủ đề: Gửi câu hỏi yêu cầu Kingtek Solar tư vấn Nhập yêu cầu của bạn: Họ tên: Điện thoại: Email: Gửi yêu cầu